Lượt xem: 294

Dấu mốc mới trong xuất khẩu vú sữa tím Kế Sách

Năm 2021 là niên vụ thứ 3 vú sữa tím của huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Singapore. Vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra trong việc vận chuyển, phân phối; xuất khẩu trái vú sữa tím của Kế Sách đạt được dấu mốc mới với sản lượng hơn 156 tấn trong niên vụ 2020 - 2021.

 


Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

 

    Hiện nay huyện Kế Sách có diện tích trồng vú sữa hơn 1.800 ha, chủ yếu là giống vú sữa tím; tập trung tại các xã Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh. Diện tích cho trái khoảng 1.600 ha, sản lượng 48.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 92,8 ha. Đã đăng ký 18 mã số vùng với diện tích 125,5ha của 140 nông hộ là thành viên của các HTX tại các vùng trồng vú sữa tập trung. Sản phẩm vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú được xếp hạng OCOP 4 sao. Trong niên vụ 2020 - 2021, các HTX cũng cung ứng gần 50 tấn vú sữa cho thị trường trong nước ở phân khúc chất lượng cao.

    Theo bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thì hiện nay, huyện Kế Sách là vùng có lợi thế và diện tích trồng vú sữa tím lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, do các vùng khác diện tích cây vú sữa giảm vì bị thiệt hại bởi mặn và dịch bệnh. Bà Vy đề nghị các cơ quan hữu quan cần phát huy lợi thế vùng trồng vú sữa tím thành vùng nguyên liệu ổn định để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

    Niên vụ 2020 - 2021 xuất khẩu vú sữa tím Kế Sách tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ trước là nhờ nhà vườn đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, cỡ trái do bên nhập khẩu đặt ra. Đặc biệt, nhà vườn chuyển sang bao trái bằng túi nylon trong suốt (được cải tiến) giúp trái mau lớn, nặng hơn nên cho năng suất cao, mẫu mã đẹp hơn so với các loại túi bao trái khác; quan sát được mức độ chín của trái nên thuận lợi khi thu hoạch, không bị ruồi đục trái gây hại, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

    Ông Nguyễn Văn Thiên - Giám đốc HTX Quyết Thắng (xã Xuân Hòa) trăn trở: “Trong thời gian tới, để có thể xuất khẩu được nhiều hơn, về phía nhà vườn cần phải rải vụ (với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nhà khoa học) để thời gian thu hoạch kéo dài lên 6 tháng (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch năm sau) thay cho thời gian hiện nay thu hoạch chỉ 4 tháng (từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch năm sau”.


Bao trái vú sữa.

 

    Ông Hồ Văn Hội - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú) thì đề xuất các doanh nghiệp cũng cần đặt hàng với các nhà khoa học để có quy trình bảo quản trái vú sữa với thời gian lâu hơn so với hiện nay để có thể chủ động thu mua và  xuất khẩu được sản lượng vú sữa nhiều hơn cho nông dân.

    Hy vọng với sự đồng hành và gắn bó giữa HTX trồng vú sữa và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, sự hỗ trợ từ các nhà khoa học ngày càng hiệu quả để việc sản xuất và xuất khẩu vú sữa tím Kế Sách sẽ đạt được thành quả ngày càng cao hơn./.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 7645
  • Trong tuần: 78,352
  • Tất cả: 11,801,672